Xuất khẩu: Tận dụng cơ hội “nước rút”

Trong 9 tháng qua, kim ngạch XK đạt 96,5 tỷ USD, tương đương với tổng kim ngạch XK của cả năm 2011; kim ngạch XK tăng 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái và cao gấp hơn 3 lần tốc độ tăng GDP. Vì vậy, có thể đánh giá XK là mảng sáng nhất của bức tranh kinh tế, là chỗ dựa quan trọng và bù đắp kịp thời cho nền kinh tế trong bối cảnh đang đối mặt với hàng loạt thách thức. Đặc biệt, kim ngạch nhiều mặt hàng là nguyên liệu thô khai thác để XK đang giảm dần, như than đá giảm 12,1% về lượng và giảm 25,3% về kim ngạch; dầu thô giảm 8,9% về lượng, giảm 11,8% về kim ngạch. Trong khi đó, kim ngạch của một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản chưa qua chế biến hoặc mới sơ chế cũng tăng rất thấp (0,5%)… Đây là thực tế đáng mừng, thể hiện sự chuyển dịch theo hướng tích cực về cơ cấu hàng XK cũng như thực tế đang diễn ra theo đúng định hướng của Chính phủ và Bộ Công thương là giảm dần tỷ lệ hàng nguyên liệu thô để thay thế bằng nhóm hàng đã qua chế biến.

Sự thay đổi về chất trong XK đã được minh chứng rõ bằng kim ngạch XK của nhóm hàng công nghiệp chế biến đã tăng khoảng 22% so với cùng kỳ, tức cao hơn hẳn tốc độ tăng chung của XK là 15,7%. Trong đó, những loại sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật – công nghệ cao, đạt kim ngạch lớn, với giá trị gia tăng cao, như điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đều tăng rất mạnh. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng duy trì được tốc độ và kết quả XK đối với những mặt hàng truyền thống đang giàu sức cạnh tranh gồm dệt may, giày dép, túi xách, va li, mũ, ô dù… Tính chung, đến nay đã có 18 mặt hàng đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD và hiện số thị trường đạt mức nhập khẩu hơn 1 tỷ USD giá trị hàng hóa từ Việt Nam được nâng lên 24 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cũng nhờ XK đạt kết quả khả quan nên đã hỗ trợ, tạo ra sự hài hòa cán cân thương mại, kìm giữ nhập siêu ở mức rất thấp là 124 triệu USD trong 9 tháng đầu năm.

Với tốc độ tăng trưởng khá cao như 9 tháng qua và xét về khả năng nhập khẩu của những thị trường lớn kết hợp với các hợp đồng, đơn hàng còn lại, Bộ Công thương dự báo tổng kim ngạch XK cả năm 2013 có thể đạt 130 tỷ USD, tức vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là dự báo bởi hoạt động XK còn tiếp diễn trong hơn 2 tháng nữa và như vậy đồng nghĩa với việc hy vọng khả năng tổng kim ngạch XK sẽ có thể vượt cả ngưỡng dự báo nói trên. Hiện tại, các DN thuộc ngành dệt may vẫn duy trì tốt hoạt động sản xuất và XK nhờ uy tín thương hiệu cũng như đáp ứng tốt thị hiếu tiêu dùng ở một số thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, EU. Bên cạnh đó, đầu ra cho những sản phẩm công nghệ cao là linh kiện điện tử, điện thoại… đã được xác lập khá vững chắc qua hệ thống “chân rết” tiêu thụ toàn cầu của nhà sản xuất tại Việt Nam.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo, bên cạnh việc làm tốt công tác dự báo DN cần tìm biện pháp khắc phục những hạn chế, bất lợi càng sớm càng tốt. Đơn cử, hiện tại kim ngạch XK cá tra vào thị trường EU đang trong xu hướng giảm và đã giảm 13% so với cùng kỳ. Nguyên nhân được xác định là do thiếu nguyên liệu đầu vào, trong khi nhu cầu tiêu thụ vẫn đang ở mức khá tại thị trường Anh và Hà Lan. Để khắc phục tình trạng này, cần đẩy mạnh phối hợp giữa cơ sở nuôi cá với nhà chế biến, XK để bảo đảm quyền lợi của các bên tham gia; chủ động hạn chế qua nhiều khâu trung gian, nhất là tránh tình trạng cố tình găm hàng sau đó bán với giá cao nhằm kiếm lợi… Xét rộng hơn, khuyến cáo này cũng có thể áp dụng rộng rãi đối với nhiều mặt hàng thuộc lĩnh vực nông, thủy sản phục vụ tăng trưởng XK bền vững.

Một biện pháp quan trọng nữa là, DN cần tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại để thúc đẩy XK thông qua nhiều hình thức, trong đó chú ý cả 3 cấp độ: Quốc gia, hiệp hội ngành hàng và từng đơn vị cụ thể. Từ nay đến cuối năm là chặng nước rút để các DN tận dụng cơ hội nâng cao kim ngạch XK, kết hợp tốt giữa việc khai thác những thị trường lớn với phát hiện, thâm nhập một số thị trường nhỏ, ngách.

Theo Báo Hà Nội Mới