Hội thảo Quỹ bảo trì đường bộ
Sáng 9/5/2012 tại TPHCM, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.Hồ Chí Minh và Hiệp hội Giao nhận kho vận Việt Nam (VIFFAS) đã phối hợp tổ chức hội thảo “Phí giao thông đường bộ- Thuận lợi và khó khăn của doanh nghiệp”.
Tuy nhiên, việc triển khai thu phí vào thời điểm doanh nghiệp đang rất khó khăn là chưa hợp lý. Nhiều ý kiến vẫn còn băn khoăn về phương thức thu phí, mức phí với các nhóm đối tượng. Cụ thể, đối với nhóm xe đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc, Nghị định quy định vừa đánh phí trên cả đầu phương tiện là đầu kéo, vừa đánh phí trên sơ-mi-rơ-móc là chưa phù hợp với thực tế.
Ông Hà Thanh Sơn, giám đốc công ty vận tải Sơn Hà phân tích: Hầu hết các doanh nghiệp đều áp dụng phương thức một đầu kéo, kéo ít nhất là 2 hoặc 3 sơ-mi-rơ-móc để tăng hiệu suất sử dụng đầu kéo. Tức là nếu doanh nghiệp có 50 đầu kéo thì phải có ít nhất 100 sơ-mi-rơ-móc. Như thế, trong lúc đầu kéo này đang kéo một sơ-mi-rơ-móc chạy trên đường thì những sơ-mi-rơ-móc phải nằm ở nhà. “ Nghị định 18 quy định tách sơ-mi-rơ-móc và đầu kéo nộp phí riêng, như thế thì có sơ-mi-rơ-móc không chạy trên đường nhưng cũng phải đóng phí?”, anh Sơn băng khoăn.
Một số ý kiến khác cũng băn khoăn về tính pháp lý của Nghị định, cách thu phí, việc quản lý và sử dụng nguồn thu cũng như tái đầu tư lại cho hệ thống hạ tầng giao thông như thế nào. Ông Võ Tấn Thành, Phó tổng thư ký VCCI cho biết, sẽ tập hợp các ý kiến của doanh nghiệp để có kiến nghị lên Chính phủ, Bộ GTVT xem xét, điều chỉnh cho hợp lý.
Ông Trần Huy Hiền, Tổng Thư ký VIFFAS: phí cũng cần thiết những phải hợp lý
Nhìn nhận ở khía cạnh tích cực, việc thu phí đường bộ góp phần vào việc nhà nước có thêm khoản thu để làm tốt công tác bảo trì đường bộ, làm cho chất lượng đường bộ được ổn định và từ đó cơ sở hạ tầng ngành logistics sẽ ngày càng tốt hơn. Mặc dù Chính phủ đã lùi thời hạn áp dụng Nghị định 18 đến ngày 1/1/2013 tuy nhiên tình hình kinh tế chưa mấy khả quan nên việc áp dụng thêm một khoản phí nào cũng đều gây khó khăn thêm cho các doanh nghiệp.
Ông Trần Huy Hiền – Tổng thư ký VIFFAS |
Tiến sỹ Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh: Chưa nên thực hiện trong lúc các doanh nghiệp đang khó khăn
Trong điều kiện đất nước còn khó khăn, chủ trương xã hội hoá bằng việc đầu tư hệ thống đường theo hình thức BOT đã được thực hiện. Các trạm thu phí mọc lên dày đặc nhưng người dân đã cảm thông với Nhà nước. Nhưng sự cảm thông cũng có hạn. Trong khi Chính phủ đang đề xuất gói giải pháp để cứu doanh nghiệp thì chưa nên thu phí để gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp.
TS Trần Du Lịch – Phó trưởng đoàn chuyên trách – Đoàn ĐB Quốc hội TPHCM |
Ông Đỗ Xuân Phú, GĐ công ty vận tải Minh Liên: Việc nộp phí theo đăng kiểm là rất khó
Quy định thu phí theo định kỳ đăng kiểm cũng sẽ là một khó khăn vô cùng lớn cho các doanh nghiệp. Phương thức thu phí trên đầu xe theo kỳ đăng kiểm (3 tháng, 6 tháng, 1 năm, 2 năm tùy theo đời xe cũ hay mới) thì doanh nghiệp chắc chắn phải đi vay để đóng phí. Với một doanh nghiệp có hơn trăm đầu xe kéo và gần ngàn sơ-mi-rơ-móc, số tiền phải đóng lên đến cả tỉ đồng/tháng, gom hết lợi nhuận có khi cũng không đủ đóng phí.
Ông Đỗ Xuân Phú – Giám đốc Cty Vận tải Minh Liên |
Ông Võ Tấn Thành, Phó tổng thư ký VCCI: Cần có cơ chế quản lý, sử dụng quỹ bảo trì đường bộ rõ ràng, minh bạch
Hàng năm, Nhà nước cần công bố những tuyến đường nào được bảo trì, sửa chữa, kinh phí là bao nhiêu và thời gian tiến độ thi công rõ ràng để người dân giám sát. Việc sử dụng quỹ trong năm nếu dư thừa thì năm sau phải giảm phí cho người dân và doanh nghiệp.
Ông Võ Tấn Thành – Phó Tổng thư ký VCCI |
Theo DDDN – Phan Tư