Lập thủy đồ điện tử cho tàu sông

Các bộ phận chức năng đang hoàn thiện hải đồ điện tử các tuyến sông để đưa vào ứng dụng thực tế.

duongthuy1

Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) VN cho biết, đang chỉ đạo các bộ phận chức năng hoàn thiện hải đồ điện tử đối với các tuyến sông Tiền, Hậu và Vàm Cỏ (cũng có thể gọi là thủy đồ điện tử – PV) để đưa vào ứng dụng thực tế.

Đây là 3 tuyến đường thủy đầu tiên, có tổng chiều dài khoảng 300km, được thí điểm xây dựng thủy đồ điện tử để tiến tới “số hóa” dữ liệu đối với 45 tuyến vận tải thủy chính trên toàn quốc. Các thủy đồ điện tử này do chính bộ phận chuyên trách công nghệ thông tin của Cục thực hiện, với sự đào tạo, chuyển giao công nghệ của các chuyên gia Đức.

Theo ông Hoàng Mạnh Hùng, Tổ trưởng Công nghệ thông tin của Cục ĐTNĐ Việt Nam, đến nay việc thiết lập thủy đồ điện tử 3 tuyến sông trên đã cơ bản hoàn thành, sắp tới sẽ được thử nghiệm thực tế. Trên thủy đồ có các thông số của luồng, tuyến và tọa độ các chi tiết liên quan đến an toàn chạy tàu: Độ sâu, tim, biên luồng, vị trí phao tiêu, báo hiệu, cầu hoặc công trình vượt sông, các bãi cạn, bãi bồi, chướng ngại vật ngầm…

“Sau khi hoàn thiện, thủy đồ điện tử được đưa lên trang điện tử của Cục ĐTNĐ Việt Nam, thuyền trưởng, người điều khiển tàu biển, phương tiện thủy chỉ cần tải về máy tính hoặc in ra để sử dụng. Đồng thời, tiến tới có thêm ứng dụng dành cho việc truy cập bằng điện thoại”, ông Hùng nói.

Với thủy đồ điện tử, thuyền trưởng không còn phải dựa vào kinh nghiệm, la bàn hoặc chắp nối các thông tin cập nhật về luồng tuyến để vận hành phương tiện như hiện nay. Thủy đồ điện tử có sự khác biệt quan trọng so với “bản đồ số” đường bộ là thể hiện được các phần “chìm” như độ sâu luồng, chướng ngại vật ngầm…

Đánh giá về việc sẽ có thủy đồ điện tử, thuyền trưởng tàu QN- 4320 Đặng Hữu Sơn chuyên tuyến Quảng Ninh – Phả Lại cho rằng, điều này sẽ giúp việc vận hành tàu dễ dàng hơn, giảm nguy cơ bị mắc cạn, đâm va vào cầu có tĩnh không thấp hoặc đi vào luồng không thuận lợi với phương tiện trọng tải lớn. Tuy nhiên, điều quan trọng là luồng tuyến đường thủy thường có sự thay đổi nên thủy đồ điện tử cần được cập nhật kịp thời.

Cùng với áp dụng thủy đồ điện tử, tới đây Cục ĐTNĐ VN sẽ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào phục vụ vận tải, quản lý luồng tuyến như: Thí điểm lắp đặt định vị, giám sát từ xa đối với phao tiêu, đèn tín hiệu trên một số tuyến đường thủy. Hiện, Ban Quản lý dự án ĐTNĐ (Cục Đường thủy nội địa VN) đang triển khai lắp đặt trên các tuyến đường thủy sông Đuống, Thương, Cầu, Công, Kinh Môn, Thái Bình, Mạo Khê, Lai Vu.

Được biết, nguồn kinh phí để thực hiện thí điểm này được trích từ vốn kinh tế – sự nghiệp, bảo trì đường thủy của Cục ĐTNĐ VN.

Theo Báo Giao thông – Huy Lộc